Ngày 02/4/2019, Toà án Nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên toà công khai xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Nguyễn Quang Huy (SN 1983, trú tại phường Điện Biên, quận Ba Đình, TP Hà Nội) về hành vi: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức”.
Nguyễn Quang Huy đã bằng thủ đoạn của mình đã đi thuê các căn hộ chung cư trên địa bàn TP Hà Nội rồi làm giả các hợp đồng mua bán với chủ đầu tư để chứng minh mình là chủ sở hữu sau đó thông qua các mối quan hệ, lợi dụng lòng tin của họ để bán hoặc thế chấp căn hộ chung cư… chiếm đoạt tiền.
Cùng với ba đơn vị công chứng khác tại Hà nội, Vạn Xuân đã thực hiện công chứng văn bản chuyền nhượng hợp đồng dựa trên một trong các hợp đồng mà Nguyễn Quang Huy làm giả và ông Nguyễn Bảo Quang là một trong những người mua căn hộ chung cư mà Huy thuê để ở rồi làm giả giấy tờ tại địa chỉ căn hộ số 04 tầng 08, toà nhà Hei Tower (Thanh Xuân, Hà Nội). Việc bốn đơn vị công chứng trong vụ án này đều được cơ quan điều tra kết luận là “Mặc dù các công chứng viên không phát hiện được giấy tờ trong bộ hồ sơ của các căn hộ là giả nhưng các công chứng viên đã thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục, đúng pháp luật trong việc lập văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ chung cư nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý”.
Tuy nhiên, tại phiên tòa mở ngày 02/4/2019, TAND thành phố Hà Nội đã buộc Văn phòng Công chứng Vạn Xuân phải liên đới với Nguyễn Quang Huy bồi thường cho anh Nguyễn Bảo Quang số tiền là 500.000.000 VND (Năm trăm triệu đồng) vì lý do ngay tại phiên tòa Nguyễn Quang Huy và ông Nguyễn Bảo Quang thống nhất khai rằng tại thời điểm công chứng, không có mặt công chứng viên mà chỉ có cán bộ của phòng công chứng. Điều này đã vi phạm điều 46 Luật Công chứng. Lập luận của tòa án chỉ dựa trên sự thống nhất lời khai của bị can và người bị hại mà không có thêm bất cứ bằng chứng, chứng cứ nào, bỏ qua lời khai của Công chứng viên Văn phòng công chứng Vạn Xuân, lời khai của chuyên viên hỗ trợ Công chứng viên trong hồ sơ này và kết luận của cơ quan điều tra đã có cả phần lời khai ban đầu của chính Nguyễn Quang Huy và Nguyễn Bảo Quang tại cơ quan điều tra là có Công chứng viên đi cùng và chứng kiến việc giao kết hợp đồng.
Nếu bản án của tòa không bị kháng cáo hoặc xử phúc thẩm y án thì chắc chắn sẽ là sự mở đầu cho một xu hướng nguy hiểm nhằm vào đơn vị công chứng khi chỉ cần hai bên yêu cầu công chứng kiện công chứng viên và thống nhất và xác nhận rằng Công chứng viên có lỗi hoặc có vi phạm thì văn phòng công chứng sẽ phải bồi thường thiệt hại dù thực tế sự việc xảy ra như thế nào. Một tiền lệ nguy hiểm nữa là Tòa án chỉ cần căn cứ vào Nguyễn Quang Huy và ông Nguyễn Bảo Quang đã đồng loạt thay đổi ngược lại lời khai ban đầu và tại cơ quan điều tra để ra ngay quyết định mà không làm rõ lời khai thay đổi đó có mục đích gì, có phù hợp với chứng cứ của vụ án hay không.
Chưa bao giờ tôi cảm nhận được tính chất nguy hiểm của nghề công chứng như lúc này, chưa bao giờ tôi thấy niềm tin về sự công minh của pháp luật bị lung lay như thế.