VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG VẠN XUÂN
Số /CCVX
V/v: Tiền Đề nghị gỡ bài viết trên báo Phong liên quan đến Văn phòng
Công chứng Vạn Xuân. |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 30tháng 11 năm 2018
|
Kính gửi: Tổng Biên tập báo Tiền Phong
Ngày 23/11/2018, theo yêu cầu của Văn phòng công chứng Vạn Xuân, nhà báo Hồ Sỹ Lực và phóng viên Minh Lộc của báo Tiền Phong đã có buổi làm việc tại trụ sở Văn phòng Công chứng Vạn Xuân (“Vạn Xuân”) về các nội dung bài báo “Hồ sơ giả ‘qua mặt’ công chứng: Người mua nhà mất tiền tỷ”đã đăng ngày 06/11/2018.
Tại buổi làm việc (Phóng viên đề nghị không lập biên bản), Vạn Xuân đã trực tiếp chỉ ra các vấn đề mà phóng viên báo không thể phủ nhận là bài viết này hoàn toàn mang tính một chiều, không đầy đủ và không chính xác. Nội dung và tiêu đề bài báo được viết theo chủ ý làm giảm uy tín, gây thiệt hại cho Vạn Xuân.
Tại Bản Kết luận điều tra số 260 ngày 26/6/2018, Công an Thành phố Hà Nội đã nhận định rõ ràng rằng: “các công chứng viên trên đã thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục, đúng pháp luật trong việc lập văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ chung cư. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, các công chứng viên đã kiểm tra tính pháp lý của tài sản trên hệ thống “UCHI”, sau đó lập văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ, đọc và thông qua 02 bên. Khi 02 bên đồng ý thực hiện giao dịch, công chứng viên cho 02 bên ký vào từng trang của văn bản chuyển nhượng và điểm chỉ vào trang cuối của văn bản. Khi đã hoàn tất thủ tục, công chứng viên tiến hành ký, đóng dấu vào văn bản chuyển nhượng và thu phí công chứng theo luật định. Như vậy hành vi của các công chứng viên không đủ căn cứ để xử lý về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 285 – Bộ luật Hình sự năm 2009 (nay là Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017) hay đồng phạm với Huy về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức nên Cơ quan điều tra không đề cập xử lý.”
Trong khi, vụ án hình sự về hành vi lừa đảo của Nguyễn Quang Huy đã hoàn tất điều tra, đã có kết luận điều tra cho thấy Công chứng viên của Vạn Xuân cũng như các công chứng viên của ba văn phòng công chứng khác trong vụ việc này không có lỗi dẫn đến thiệt hại (quý cơ quan có thể xác minh qua bản Kết luận điều tra) thì bài báo nêu trên vẫn khẳng định “cùng với sai lầm của công chứng viên, nhiều nạn nhân bị mất trắng hàng tỷ đồng khi mua nhà” (bài đăng “Hồ sơ giả ‘qua mặt’ công chứng: Người mua nhà mất tiền tỷ”, trên báo Tiền Phong ra ngày 06/11/2018). Nội dung này rõ ràng là suy diễn và không có trong bất cứ hồ sơ tài liệu chính thức nào.
Sau khi làm rõ các vấn đề sai sự thật, mang tính quy kết của bài báo, phóng viên báo Tiền Phong đã thống nhất là sẽ báo cáo tới Tổng Biên tập để có phương án xử lý. Tuy nhiên, từ đó đến nay, chúng tôi vẫn không nhận được văn bản chính thức nào từ báo Tiền Phong về phương án giải quyết việc này.
Hiện nay, việc bài báo tồn tại (trong đó đăng cả ảnh trụ sở văn phòng công chứng Vạn Xuân) và vẫn giữ những nội dung không đúng với thực tế như trên đã gây hiểu lầm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Vạn Xuân. Thiệt hại là hoàn toàn có thể tính toán được dựa trên các phản hồi của khách hàng tới công chứng và số lượngkhách hàng giảm sau khi Tiền Phong đăng tải bài viết sai sự thật, một chiều nêu trên.
Về bản chất việc mua bán, một người dân bình thường sẽ không bao giờ để bị lừa như vậy vì khi mua căn hộ mà chưa được cấp giấy chứng nhậnthì người mua sẽ luôn phải nhanh chóng tiến hành các thủ tục để xin xác nhận của chủ đầu tư(thì Văn bản chuyển nhượng hợp đồng mới có hiệu lực). Điều bất thường ở đây là ông Nguyễn Bảo Quang và ông Nguyễn Cảnh Phương sau khi ký chuyển nhượng vẫn giữ Văn bản chuyển nhượng hợp đồng đến tận 06 tháng sau vẫn không làm thủ tục khai thuế và đăng ký hợp đồng với chủ đầu tư. Do vậy, cách thức lừa đảo này không thể xảy ra với người mua thông thường, càng không trở thành phổ biến để phóng viên báo Tiền Phong lấy lý do phải đưa thành cảnh báo chung cho xã hội và nhấn mạnh bằng hình ảnh trụ sở của Vạn Xuân.
Vạn Xuân có tiếp nhận điện thoại đề nghị gặp để trả lời phỏng vấn của phóng viên Minh Lộc của báo Tiền phong. Nhưng cuộc gặp chưa được sắp xếp để tiếp nhận thông tin hai chiều chính thức, báo Tiền Phong đã có một loạt bài về công chứng chứng thực trong đó có bài viết đề cập đến Vạn Xuân với tựa đề “Hồ sơ giả “qua mặt” công chứng: Người mua nhà mất tiền tỷ” đăng tải trên báo Tiền Phong ngày 06/11/2018.
Trong cuộc gặp phóng viên quý báo có đưa đoạn ghi âm cuộc nói chuyện để xếp lịch hẹn phỏng vấn nội dung cuộc gọi vào ngày thứ năm để yêu cầu gặp ngay, Vạn Xuân đã hẹn đầu tuần sau phỏng vấn, nhưng phóng viên từ chối vì cho rằng bài cần đăng gấp. Tuy vậy, sau 1 tháng kể từ thời điểm hẹn gặp, phóng viên Báo Tiền Phong mới đăng bài dù không có một buổi làm việc nào với Vạn Xuân dẫn đến nội dung hoàn toàn bị sai lệch một chiều và không có căn cứ. Cụ thể như sau:
- Bài viết dẫn dắt độc giả tin rằng Vạn Xuân không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện công chứng.
Các đề mục của bài báo như “Có công chứng vẫn bị lừa” hay “Mòn mỏi đợi đền bù”, kết hợp với nội dung của bài báo phản ánh việc Vạn Xuân đã không tra cứu, kiểm tra “UCHI” giao dịch và phần trích dẫn ý kiến một chiều của luật sư đã làm độc giả nghi ngờ Vạn Xuân không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi hoạt động công chứng, quy trình làm việc có vấn đề…
Đặc biệt, hai nội dung là “Quy trình công chứng có vấn đề” và “không tra cứu, kiểm tra “UCHI” là hoàn toàn trái với thực tế và Kết luận điều tra số 260 ngày 26/6/2018 của Công an Thành phố Hà Nội như đã được trích dẫn ở trên.
- Bài viết khiến người đọc hiểu lầm việc công chứng của công chứng viên Vạn Xuân là nguyên nhân gây ra thiệt hại cho người yêu cầu công chứng (chứ không phải là hành vi của người làm giấy tờ giả để chiếm đoạt).
Từ các thông tin trong nội dung bài viết như “là nạn nhân của vụ lừa đảo từ mua nhà dù đã thực hiện công chứng qua Văn phòng công chứng Vạn Xuân (số 48 Giang Văn Minh, Đội Cấn, Ba Đình)” hoặc nội dung “Ông Phương và ông Quang nhiều lần tới Văn phòng công chứng Vạn Xuân yêu cầu bồi thường toàn bộ số tiền thiệt hại vì văn phòng này công chứng toàn bộ hồ sơ căn hộ giả mạo” …” hay nội dung trích dẫn ““Ông Nguyễn Mạnh Dũng – Trưởng Văn phòng công chứng Vạn Xuân cho rằng, lỗi do rủi ro nghề nghiệp của công chứng viên và văn phòng đã mua bảo hiểm của Công ty PVI Hà Nội nên bảo hiểm sẽ đền bù cho khách hàng. Thế nhưng đến nay, tôi vẫn chưa nhận được bồi thường”,tác giả Minh Lộc đã hướng người đọc hiểu rằng việc công chứng của Công chứng viên Vạn Xuân là nguyên nhân gây ra thiệt hại nhiều tỷ đồng cho ông Nguyễn Cảnh Phương và ông Nguyễn Bảo Quang.
Trên thực tế, tại các biên bản lấy lời khai tại cơ quan điều tra, ông Nguyễn Cảnh Phương và ông Nguyễn Bảo Quang đều đã công nhận và yêu cầu đối tượng chiếm đoạt tiền của các ông và bị điều tra khởi tố là Nguyễn Quang Huy phải bồi thường toàn bộ thiệt hại với tổng số tiền là 5,5 tỷ đồng. Người viết dường như đã quên mất Nguyễn Quang Huy, người gây thiệt hại chính là người phải bồi thường dân sự (cùng với trách nhiệm hình sự vì tội lừa đảo), mà đã cố tình dùng những câu chữ lập lờ nêu trên để người đọc hiểu sai thực tế, từ đó nhằm quy kết trách nhiệm cho Vạn Xuân một cách trái pháp luật.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 47 Luật Công chứng “Người yêu cầu công chứng phải xuất trình đủ giấy tờ cần thiết liên quan đến việc công chứng và chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của các giấy tờ đó”.
Trách nhiệm của công chứng viên theo quy định của tại khoản 5 Điều 40 Luật Công chứng:“Trong trường hợp có căn cứ cho rằng trong hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ, việc giao kết hợp đồng, giao dịch có dấu hiệu bị đe dọa, cưỡng ép, có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng hoặc đối tượng của hợp đồng, giao dịch chưa được mô tả cụ thể thì công chứng viên đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định; trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng”. Công chứng viên hoàn toàn không được các luật hiện hành trao cho chức năng xác định giấy tờ giả, đồng thời không được phép tự xác minh, giám định các giấy tờ người yêu cầu công chứng cung cấp nếu họ không có đơn đề nghị. Thực tế là ông Quang và ông Phương đã tự tìm hiểu và tin tưởng bên bán mà không liên lạc với bộ phận cung cấp thông tin chủ đầu tư với tư cách người mua nên đã bị mắc lừa theo cách mà thông thường không ai bị lừa như vậy.
- Bài báo đưa ra nghi ngờ vô căn cứ trên cơ sở thông tin một chiều từ người khác về việc Vạn Xuân không phối hợp với PVI .
Tác giả bài viết đã cố tình lấy thông tin một chiều từ ông Quang và ông Phương về quá trình phối hợp giữa Vạn Xuân và công ty bảo hiểm trong bài viết và trích dẫn ý kiến một phía của luật sư nhằm tạo ra nghi ngờ vô căn cứ về việc Vạn Xuân không “cung cấp đầy đủ” các tài liệu theo yêu cầu của công ty bảo hiểm PVI từ đó suy diễn: “quy trình công chứng của văn phòng là có vấn đề”. Đồng thời, nhận định tùy tiện là Vạn Xuân thiếu thiện chí khi làm việc với Nguyễn Bảo Quang và Nguyễn Cảnh Phương khiến các ông phải “mòn mỏi đợi bồi thường”.
Chúng tôi khẳng định: Trong nhiều lần gặp gỡ ông Nguyễn Bảo Quang, ông Nguyễn Cảnh Phương đã được giải thích rằng việc bồi thường phải do bản án của tòa án quyết định. Khi đó sẽ rõ ràng ai gây ra thiệt hại, lỗi dẫn đến thiệt hại và số tiền bồi thường cụ thể chứ không thể theo ý chí chủ quan của cá nhân hay tổ chức nào.
Mặt khác, Vạn Xuân cũng đã thông báo, cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến vụ việc theo các yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cũng như công ty bảo hiểm. Cùng với văn bản này, chúng tôi gửi kèm 03 công văn của Vạn Xuân đã gửi PVI để thông báo và cung cấp thông tin về vụ việc. Chúng tôi lưu ý rằng trước và trong suốt quá trình viết bài, phóng viên đã cố tình không hỏi hoặc đề nghị Vạn Xuân để được cung cấp thông tin hay văn bản chính thức liên quan.
Mặc dù trích dẫn Công văn 936BHPVI – GQKNcủa công ty bảo hiểm PVI, nhưng phóng viên bài báo đã lờ đi yêu cầu chính của PVI với Vạn Xuân trong Công văn là:“cung cấp các quyết định/văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định công chứng viên Vạn Xuân có trách nhiệm bồi thường đối với các thiệt hại của khách hàng do sơ suất/bất cẩn trong quá trình thực hiện công chứng”, mà cố hướng cho người đọc hiểu lầm rằng cơ quan bảo hiểm đã sẵn sàng bồi thường nhưng không thực hiện được là do Vạn Xuân không cung cấp thông tin, tài liệu. Nội dung cơ bản của PVI trong công văn là phải có quyết định có hiệu lực của tòa án, mà hiện nay chưa thể có, là điều kiện tiên quyết để công ty bảo hiểm PVI bồi thường chứ không phải vì Vạn Xuân không phối hợp. Đây hoàn toàn là cố ý hiểu sai trình tự tố tụng mà cơ quan nhà nước đang giải quyết thành quan hệ dân sự riêng trong đó để người đọc hiểu rằng: vì Vạn Xuân trốn tránh trách nhiệm nên công ty bảo hiểm PVI chưa bồi thường cho ông Nguyễn Cảnh Phương và Nguyễn Bảo Quang.
Hiện nay, chúng tôi được biết đã có một số đối tượng trả tiền chạy quảng cáo của Google để đưa bài viết này lên mục tìm kiếm đầu tiên của Google khi tra cứu thông tin về “Công chứng Vạn Xuân” với những từ ngữ mang tính quy chụp như “Quy trình tra soát thông tin có vấn đề? hay do văn phòng công chứng làm việc tắc trách? Phòng công chứng Vạn Xuân tỏ thái độ bất hợp tác, dửng dưng với sự việc!” Dấu hiệu “Ad” nằm ngay dưới bài viết khi tra cứu thể hiện có đối tượng trả tiền chạy quảng cáo tìm kiếm của Google.
Do toàn bộ nội dung bài báo cung cấp thông tin một chiều, dùng nhận định chủ quan làm kết luận nên đang gây hiểu lầm nghiêm trọng đến hoạt động công chứng của chúng tôi. Sau buổi làm việc với các phóng viên quý báo chúng tôi càng thấy sự cần thiết quý báo làm lúc này là gỡ bỏ toàn bộ nội dung bài viết trên báo điện tử, đính chính bài viết trên báo giấy để tránh xâm hại tới danh dự, uy tín của Văn phòng Công chứng Vạn Xuân.
Nơi nhận:
– Như trên
– Sở TTTT TP. HN để b/c;
– Công An TP. HN để b/c;
– Sở Tư pháp HN để b/c;
– Lưu VP.
|
TRƯỞNG VĂN PHÒNG
(đã ký)
Nguyễn Mạnh Dũng |